fbpx

Tin tức

QUY TRÌNH THỰC HIỆN THỤ TINH TRONG ỐNG NGHIỆM (IVF) TẠI BỆNH VIỆN PHỤ SẢN THIỆN AN

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là một trong những phương pháp Hỗ trợ sinh sản đang ngày càng phổ biến, giúp hiện thực hóa ước mơ làm cha mẹ của nhiều cặp vợ chồng vô sinh – hiếm muộn. Ngày càng có nhiều người trẻ tìm đến phương pháp này như một “cứu cánh” cho tình trạng sức khỏe sinh sản. Hãy cùng Bệnh viện Phụ sản Thiện An điểm qua các bước chính khi bắt đầu phác đồ thụ tinh trong ống nghiệm cùng GS. TS. BS Nguyễn Viết Tiến để nắm rõ quy trình IVF qua bài viết sau đây.

I. NHỮNG TRƯỜNG HỢP NÀO NÊN THỰC HIỆN IVF?

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới, trong đó 50% số ca mắc bệnh nằm ở độ tuổi dưới 30. Thống kê của Bộ Y tế Việt Nam cũng cho thấy, mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, chiếm khoảng 7.7% các cặp vợ chồng. Trong đó, các cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30 chiếm tỷ lệ 50%. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang gia tăng đến 15 – 20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh. Tỷ lệ vô sinh do nam giới chiếm 40%, do nữ giới chiếm 40%, 10% do cả hai vợ chồng và 10% không rõ nguyên nhân.

Tuy vậy, không phải bất cứ trường hợp vô sinh – hiếm muộn nào cũng phù hợp để thực hiện IVF. Theo GS Nguyễn Viết Tiến (Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Thiện An, Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương), việc điều trị dứt điểm bệnh lý chính là ưu tiên hàng đầu khi thăm khám cho các cặp vợ chồng mong con.

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thường sẽ được chỉ định thực hiện đối với các trường hợp bệnh lý như:

– Người chồng có các vấn đề về rối loạn khả năng xuất tinh như lỗ tiểu thấp, có hiện tượng xuất tinh ngược dòng, rối loạn cương dương; hoặc chất lượng tinh trùng kém (Tinh trùng ít, kém di động, tỉ lệ tinh trùng dị dạng cao)

– Người vợ có các vấn đề về rối loạn phóng noãn, tắc hoặc tổn thương vòi trứng, đã cắt bỏ vòi trứng…các bệnh lý tại buồng tử cung như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung.

– Cặp vợ chồng lớn tuổi, dự trữ buồng trứng ở người vợ suy giảm.

– Áp dụng phương pháp bơm tinh trùng nhiều lần nhưng thất bại.

– Các cặp vợ chồng mang gen bệnh di truyền như Thalassemia, Hemophilia… cần sàng lọc tiền làm tổ để giảm thiểu nguy cơ sinh con mắc bệnh.

– Vô sinh – hiếm muộn chưa rõ nguyên nhân

II. QUY TRÌNH THỰC HIỆN THỤ TINH TRONG ỐNG NGHIỆM (IVF) TẠI BỆNH VIỆN PHỤ SẢN THIỆN AN

  1. Đặt lịch khám online

Bước đầu tiên trong quy trình IVF tại Thiện An là thăm khám ban đầu. Hiện nay, hầu hết các bệnh viện, phòng khám tư nhân đều đã triển khai công tác đặt lịch hẹn qua các nền tảng online như fanpage Facebook, website hay hotline. Đối với Bệnh viện Phụ sản Thiện An, Quý khách hàng có thể đặt lịch trực tiếp tại website phusanthienan.com / fanpage Bệnh viện Phụ sản Thiện An hoặc qua hotline 1900.633.081 (nhấn phím 1 hoặc phím 0).

Sau khi đã đặt lịch khám và lựa chọn Bác sĩ, Quý khách hàng chỉ cần đến quầy lễ tân và báo thông tin. Việc đặt lịch hẹn online sẽ giúp tiết kiệm thời gian chờ đợi, xác định lịch chuẩn của Chuyên gia và được ưu tiên cho mỗi lần thăm khám.

  1. Khám sức khỏe sinh sản (thực hiện siêu âm, xét nghiệm cần thiết của hai vợ chồng theo chỉ định của bác sĩ)

Vào giai đoạn đầu tiên của quy trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại Bệnh viện Phụ sản Thiện An, các cặp vợ chồng sẽ thực hiện 02 – 03 lần thăm khám cùng nhau để hoàn thiện hồ sơ sức khỏe và các giấy tờ pháp lý liên quan. 

Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ chỉ định siêu âm nhằm thăm dò khả năng sinh sản của người phụ nữ như siêu âm ổ bụng, siêu âm đầu dò âm đạo, chụp X-quang tử cung vòi trứng và thực hiện các xét nghiệm như: xét nghiệm máu, nước tiểu, xét nghiệm nội tiết, xét nghiệm dự trữ buồng trứng AMH,..

Với người chồng, một số các xét nghiệm được thực hiện sẽ bao gồm: xét nghiệm tinh dịch đồ, xét nghiệm máu, xét nghiệm vi sinh, và xét nghiệm kiểm tra di truyền nếu tiền sử bệnh lý có dấu hiệu.

  1. Tư vấn hồ sơ, sức khỏe để thực hiện IVF

Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Thiện An yêu cầu các giấy tờ cơ bản khi mở hồ sơ IVF bao gồm: 

– Một bản photo công chứng căn cước công dân của vợ.

– Một bản photo công chứng căn cước công dân của chồng.

– Một bản photo công chứng đăng ký kết hôn.

– Giấy xác nhận độc thân (đối với đối tượng độc thân làm IVF)

* Lưu ý:

– Thời gian công chứng của các giấy tờ không quá 06 tháng

– Mang theo bản gốc để đối chiếu (nếu sử dụng bản photo công chứng)

– Số CCCD/CMND trên đăng ký kết hôn phải giống với số CCCD/CMND hiện có (trong trường hợp số CCCD/CMND trên các giấy tờ trên không trùng nhau, khách hàng vui lòng trực tiếp liên hệ với Trung tâm Hỗ trợ sinh sản để được hướng dẫn chi tiết).

  1. Tiêm kích trứng bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Phác đồ kích thích buồng trứng bắt đầu vào ngày 2 chu kỳ kinh, với điều kiện sức khỏe của người vợ thuận lợi. Tùy theo tình trạng của người bệnh, thời gian điều trị và loại thuốc kích trứng cũng sẽ được thay đổi theo từng trường hợp. Quy trình IVF có thể nhanh hay chậm cũng tùy vào đáp ứng thuốc của người bệnh trong quá trình sử dụng thuốc.

Thời gian kích thích trứng tùy thuộc vào từng bệnh nhân, dao động từ 10-12 ngày.

Trong thời gian kích thích buồng trứng, bác sĩ theo dõi nang trứng bằng cách siêu âm nang noãn và xét nghiệm máu từ đó điều chỉnh thuốc tùy vào đáp ứng của mỗi bệnh nhân.

Khi đã có được số lượng nang trứng đạt yêu cầu, bác sĩ sẽ tiến hành tiêm một mũi HCG để kích thích trứng trưởng thành. 34h-36h sau khi tiêm HCG, bước chọc hút trứng sẽ được tiến hành để lấy các nang trứng đạt yêu cầu từ cơ thể người phụ nữ ra để tiến hành nuôi cấy trong ống nghiệm với tinh trùng của chồng.

* Tác dụng phụ khi tiêm kích trứng 

– Khi kích trứng, buồng trứng sẽ trở nên to hơn so với kích thước bình thường. Hiện tượng này sẽ khiến vùng ngực và vùng bụng dưới có cảm giác căng tức, nặng nề hơn; đồng thời gây ra một số phản ứng phụ như buồn nôn, chóng mặt. Triệu chứng này thường diễn ra vào 2 – 3 ngày cuối trong quá trình kích trứng và sẽ phục hồi sau quá trình chọc hút noãn.

Do nguy cơ gặp tác dụng phụ là hoàn toàn có thể xảy ra nên nếu sau khi tiêm kích trứng mà bệnh nhân lại gặp phải những biểu hiện bất thường sau hãy thông báo ngay tới bác sĩ tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản qua hotline: 1900.633.081 (nhấn phím 2 để nối máy trực tiếp đến TTHTSS).

  1. Người vợ thực hiện chọc hút noãn. Đồng thời, người chồng lấy mẫu tinh trùng để thực hiện ICSI.

Trong quá trình kích trứng, sự phát triển của các nang noãn được theo dõi bằng siêu âm và xét nghiệm máu định lượng nội tiết, khoảng 2-3 lần trong mỗi chu kỳ điều trị. Khi có nang noãn ≥ 17mm, bác sĩ sẽ chỉ định mũi tiêm kích thích trưởng thành noãn sau cùng.

Khoảng 36 giờ đồng hồ sau mũi tiêm kích trứng cuối cùng, thủ thuật chọc hút trứng sẽ được tiến hành qua đường âm đạo dưới siêu âm.

Khi chọc hút trứng, người vợ được gây mê nên sẽ không cảm thấy đau đớn. Thời gian chọc hút trứng khoảng 10 – 15 phút cho mỗi ca. Cùng lúc đó, người chồng được lấy mẫu tinh trùng tươi hoặc rã đông mẫu tinh trùng được đông lạnh trước đó để chuẩn bị cho quá trình nuôi cấy phôi tiếp theo.

Tại Bệnh viện Phụ sản Thiện An, sau khi chọc hút trứng, người vợ sẽ được nằm lại theo dõi tại bệnh viện trong vòng 2 – 3 ngày tiếp theo. Đảm bảo mọi vấn đề về sức khỏe cho người phụ nữ, đặc biệt là vấn đề tâm lý là một trong những yếu tố được chú trọng hàng đầu đối với đội ngũ Y tế tại Thiện An xuyên suốt quy trình IVF.

  1. Nuôi cấy phôi trong LAB

Noãn trưởng thành sau khi được thụ tinh sẽ hình thành phôi và được nuôi cấy trong môi trường đặc biệt tạo điều kiện tối ưu nhất cho phôi phát triển. Quá trình nuôi cấy chỉ diễn ra trong thời gian từ 4 đến 6 ngày, do đó tất cả các công đoạn phải tiến hành thật chính xác, tỉ mỉ để đảm bảo tỷ lệ thành công cao khi được đưa vào cơ thể người phụ nữ.

Nuôi cấy phôi đến giai đoạn phôi nang sẽ có khả năng chọn lựa được phôi có khả năng làm tổ cao, tăng tỷ lệ phôi sống và giảm tỷ lệ đa thai.

* Quá trình nuôi cấy phôi bị ảnh hưởng bởi những yếu tố nào?

Một số yếu tố ảnh hưởng đến kết quả nuôi cấy phôi bao gồm độ tuổi người phụ nữ, số lượng và chất lượng trứng, chất lượng tinh trùng và hệ thống phòng LAB cùng trình độ chuyên môn của Bác sĩ, Kỹ thuật viên.

Theo GS Nguyễn Viết Tiến, chất lượng noãn thu được sau thủ thuật chọc hút trứng hay chất lượng phôi đều bị tác động bởi tuổi của người phụ nữ. Nếu tuổi người phụ nữ càng cao thì tỷ lệ tạo phôi và tỷ lệ thai sinh sống sẽ thấp hơn so với nhóm phụ nữ ở độ tuổi trẻ.

Số lượng và chất lượng phôi ngày 3 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả nuôi phôi ngày 5. Nếu số trứng đem đi thụ tinh ống nghiệm có nhiều phôi ngày 3 thì số phôi phát triển lên ngày 5 sẽ càng cao và ngược lại. Vì vậy, tùy vào số lượng và chất lượng của phôi mà bác sĩ sẽ tư vấn người bệnh có nên nuôi phôi lên ngày 5 hay không.

  1. Chuyển phôi (phôi tươi – phôi ngày 3, ngày 5 hoặc phôi trữ)

Trong quy trình thực hiện IVF, sau khi kích trứng và chọc hút noãn, đây là lúc bác sĩ và người bệnh sẽ cùng thống nhất để lựa chọn kỹ thuật chuyển phôi tươi hay phôi trữ vào buồng tử cung của người phụ nữ. Việc quyết định chuyển loại phôi nào tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, tâm lý của người mẹ cũng như chất lượng phôi có cần thực hiện sàng lọc di truyền tiền làm tổ hay không.

Chuyển phôi tươi là kỹ thuật mà phôi thai ngay sau khi được thụ tinh trong phòng thí nghiệm sẽ được cấy vào tử cung người mẹ. 

Chuyển phôi trữ là kỹ thuật áp dụng với các phôi đã có quá trình đông lạnh ở phòng thí nghiệm. Kỹ thuật này thường dành cho các đối tượng không thể chuyển phôi tươi do một số yếu tố như: niêm mạc tử cung chưa sẵn sàng, cơ thể người mẹ gặp một số ảnh hưởng sau quá trình kích trứng – chọc hút trứng,.. Trong chu kỳ chuyển phôi trữ đông, người bệnh không phải thực hiện lại quá trình kích thích buồng trứng. Việc điều trị chỉ cần chuẩn bị niêm mạc tử cung để chuyển phôi.

Đối với phôi trữ, phôi sau khi hình thành sẽ được đánh giá chất lượng và lựa chọn để đưa vào môi trường đông phôi đặc biệt và bảo quản lâu dài trong môi trường nitơ lỏng với nhiệt độ cực lạnh là -196 độ C.

Hiệu quả mang thai giữa phương pháp chuyển phôi tươi và phôi trữ là tương đương nhau nên ba mẹ tương lai hoàn toàn có thể yên tâm!

  1. Xét nghiệm chỉ số BETA sau 10 – 14 ngày

Sau 10 – 14 ngày chuyển phôi, mẹ hoàn toàn có thể kiểm tra xem IUI hoặc IVF đã thành công chưa bằng các phương pháp thử thai như dùng que thử hoặc xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu sẽ cho kết quả chính xác nhất dựa trên chỉ số BETA. Cụ thể:

  • Nồng độ Beta-hCG <5mIU/ml: tại thời điểm xét nghiệm, chưa đủ căn cứ để kết luận mang thai.
  • Nồng độ Beta-hCG >25mIU/ml: chắc chắn người mẹ đã mang thai
  • Nồng độ Beta-hCG nằm trong khoảng từ 5 – 25mIU/ml: có thể cần tiến hành xét nghiệm lại sau 48h để theo dõi và có kết luận chính xác.

Bệnh viện Phụ sản Thiện An tự hào quy tụ đội ngũ Chuyên gia đầu ngành Sản – Phụ khoa Việt Nam. Được đầu tư cơ sở vật chất hàng đầu đạt chuẩn khách sạn, hệ thống trang thiết bị phòng mổ hiện đại, phòng LAB vô trùng tiên tiến bậc nhất, Bệnh viện Phụ sản Thiện An luôn nỗ lực mang lại chất lượng dịch vụ khám, tư vấn và điều trị Vô sinh – Hiếm muộn tốt nhất cho người bệnh. Với tỷ lệ thành công lên đến 60% đối với thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), 30% đối với thụ tinh nhân tạo (IUI); Bệnh viện Phụ sản Thiện An thực hiện được tất cả các kỹ thuật cao về IVF như sàng lọc dị tật phôi, di truyền,… đảm bảo tỷ lệ thành công cho người bệnh.