fbpx

Tin tức

PHÒNG NGỪA TIỀN SẢN GIẬT Ở PHỤ NỮ MANG THAI

Tiền sản giật là mối nguy cơ hàng đầu đe doạ sức khoẻ của cả mẹ và con. Hiện vẫn chưa thể khẳng định chính xác nguyên nhân gây bệnh là gì, tuy nhiên, hiểu rõ về tiền sản giật cũng như áp dụng các biện pháp phòng ngừa trong thai kỳ phần nào giúp thai phụ hạn chế nguy cơ mắc phải biến chứng nguy hiểm này.

 

Tiền sản giật là gì?

Tiền sản giật (Preeclampsia) là một biến chứng thai kỳ xảy ra trong 3 tháng cuối của thai kỳ (từ tuần thứ 20) với những triệu chứng đặc trưng là tăng huyết áp, protein niệu và phù. 

Tiền sản giật là căn nguyên dẫn đến sản giật – một trong những tai biến sản khoa nghiêm trọng nhất, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của cả mẹ và bé, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. 

 

Các yếu tố làm tăng nguy cơ tiền sản giật

Cho đến nay vẫn chưa thể khẳng định chính xác nguyên nhân gây ra tiền sản giật, nhưng có một vài yếu tố được cho là có nguy cơ cao gây nên tiền sản giật: 

  • Thai phụ bị cao huyết áp mãn tính.
  • Tiền sử người thân ruột thịt từng mắc tiền sản giật.
  • Mẹ bầu bị thừa cân, béo phì, tăng cân quá mức trong thai kỳ.
  • Có tiền sử giật ở những lần mang thai trước.
  • Mang thai lần đầu, mang song thai hoặc đa thai.
  • Mang thai quá sớm (dưới 17 tuổi) hoặc quá muộn (ngoài 35 tuổi).
  • Khoảng cách giữa các lần mang thai quá ngắn (dưới 2 năm) hoặc quá dài (trên 10 năm)
  • Mẹ bầu có tiền sử tiểu đường, bệnh thận, lupus ban đỏ…
  • Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn trong toàn bộ thai kỳ.

Các biện pháp phòng ngừa tiền sản giật trong thai kỳ

Thăm khám thai định kỳ

  • Khám thai định kỳ theo đúng lịch hẹn và đi khám ngay khi thấy những dấu hiệu bất thường. Nếu gia đình có người từng mắc tiền sản giật hoặc có bất thường trong thai kỳ thì hãy thông báo cho bác sĩ để được theo dõi kỹ hơn.
  • Kiểm tra huyết áp thường xuyên. 

Dinh dưỡng phù hợp

  • Đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, cân bằng dinh dưỡng. Ăn nhiều rau củ quả tươi và các thực phẩm giàu kali như bơ, chuối, khoai lang, dưa chuột…
  • Ăn nhạt, hạn chế đồ dầu mỡ và các thực phẩm chế biến sẵn để hạn chế nguy cơ huyết áp cao – một trong những nguyên nhân dẫn đến tiền sản giật.
  • Bổ sung các vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể: vitamin nhóm B, vitamin E, vitamin C, sắt, magie, canxi…
  • Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Hạn chế tối đa việc uống cafe, rượu bia để hạn chế nguy cơ mất nước.

Chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý

  • Thường xuyên vận động với cường độ vừa phải bằng cách bơi, đi bộ, tập yoga, đạp xe… để duy trì cân nặng, tăng cường hệ miễn dịch. 
  • Chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ngủ ít nhất 8 tiếng/ngày.
  • Quản lý cân nặng, tránh tăng cân quá mức bởi thừa cân béo phì trong thai kỳ có thể là nguyên nhân của rất nhiều biến chứng thai kỳ đáng tiếc. 

 

Tiền sản giật là một biến chứng thai kỳ nguy hiểm nhưng mẹ bầu vẫn có thể chủ động phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh. Việc đồng hành cùng một đơn vị quản lý thai nghén chuyên nghiệp để khám thai định kỳ và được các chuyên gia Sản khoa giàu kinh nghiệm kiểm tra, tư vấn và theo dõi các chỉ số là phương pháp tốt nhất giúp mẹ bầu luôn khỏe mạnh và an tâm chào đón con yêu.

Để được đội ngũ Chuyên gia tại Bệnh viện Phụ sản Thiện An khám và tư vấn trực tiếp, Quý khách có thể inbox hoặc gọi điện trực tiếp lên tổng đài: 1900 633 081 để đặt lịch khám.