fbpx

Tin tức

PHÂN BIỆT 3 LOẠI CƠN GÒ TỬ CUNG MẸ BẦU CẦN BIẾT

Trong quá trình mang thai, các cơn gò tử cung thường xuất hiện và khiến thai phụ lo lắng không biết nên làm gì. Tuy nhiên không phải cơn gò nào cũng giống nhau, vì thế, mẹ bầu  nên hiểu và biết cách phân biệt các loại cơn gò để có cách xử lý trong từng trường hợp. 

 

Cơn gò tử cung là gì?

Cơn gò tử cung là tín hiệu thông báo phụ nữ mang thai chuẩn bị chuyển dạ, em bé sắp chào đời. Trên thực tế, có nhiều dạng cơn gò với các triệu chứng khác nhau và cảnh báo những vấn đề khác nhau. 

Tuỳ vào từng thời điểm và tính chất cơn đau có thể chia các cơn gò khi mang thai thành 3 loại: cơn gò sinh lý, cơn gò chuyển dạ sinh non và cơn gò chuyển dạ đủ tháng. 

Phân biệt các cơn gò tử cung

Cơn gò sinh lý (Braxton Hicks)

Còn được gọi là cơn gò chuyển dạ giả và xuất hiện từ tam cá nguyệt thứ 2, cơn gò sinh lý như một bài diễn tập để cơ thể người phụ nữ thích nghi dần và sẵn sàng cho ngày chuyển dạ sinh con.

  • Xuất hiện bất chợt, không thường xuyên, không tăng dần theo thời gian.
  • Gây cảm giác căng tức khó chịu nhiều hơn là đau đớn.
  • Không gây giãn nở cổ tử cung.
  • Thường xuất hiện khi mệt mỏi, mất nước hay đi đứng quá nhiều. 
  • Có thể tự biến mất khi mẹ bầu uống thêm nước, nghỉ ngơi thư giãn (nằm nghiêng sang trái). 

Cơn gò chuyển dạ đủ tháng

Xuất hiện từ sau tuần 37, cơn gò chuyển dạ sinh sẽ không biến mất mà kéo dài từng cơn liên tục để mở rộng tử cung cho em bé chào đời và mẹ cần nhập viện ngay để chuẩn bị cho quá trình vượt cạn.

  • Cơn gò chuyển dạ bắt đầu từ mức thấp và tăng dần theo thời gian. 
  • Các cơn co thắt xuất hiện với tần suất đều đặn. Thời gian xuất hiện càng ngày càng rút ngắn và mức độ đau càng ngày càng dữ dội.
  • Xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo chuyển dạ như ra dịch nhầy ở âm đạo hoặc có máu khi đi vệ sinh, rỉ hoặc vỡ ối…

Cơn gò chuyển dạ sinh non

Đây là cơn gò nguy hiểm cần phát hiện sớm nhưng mẹ bầu lại thường nhầm lẫn sang cơn gò sinh lý dẫn đến can thiệp y tế muộn. Cơn gò chuyển dạ sinh non xuất hiện khi thai chưa đủ 37 tuần với tần suất đều đặn và có tính chất giống như cơn gò chuyển dạ đủ tháng. 

Trẻ sinh non có thể gặp các vấn đề về sức khỏe. Do đó, nếu bạn chưa đến tuần thứ 37 của thai kỳ nhưng có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của cơn gò sinh non, hãy đến bệnh viện khám ngay để được hướng dẫn và hạn chế các nguy cơ.

Tính thời điểm và đặc điểm của mỗi cơn gò tử cung lại khác nhau nhưng vẫn sẽ gây khó khăn cho mẹ bầu trong việc nhận biết đâu là cơn gò gây nguy hiểm. Vì vậy nếu thấy cơ thể xuất hiện những cơn gò tử cung đáng ngờ, thai phụ hãy đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời, tránh những biến chứng không mong muốn. T

Để được đội ngũ Chuyên gia tại Bệnh viện Phụ sản Thiện An khám và tư vấn trực tiếp, Quý khách có thể nhắn tin đến fanpage bệnh viện (hoặc gọi điện trực tiếp lên tổng đài: 1900 633 081 để đặt lịch khám.