fbpx

Tin tức

NHỮNG MỐC KHÁM THAI QUAN TRỌNG MÀ MẸ BẦU KHÔNG NÊN BỎ QUA

Đối với tất cả mọi phụ nữ, sau khi xây dựng gia đình thì thời gian mang bầu là một trong những quãng thời gian hạnh phúc của cuộc đời, nhưng cũng đầy khó khăn và vất vả. Là người mẹ, chắc chắn ai ai cũng luôn muốn biết được thông tin về sự phát triển của đứa con mà mình đang mang trong bụng và mong mọi điều bình an luôn đến với mình và bé.

Có thể thấy rằng, việc khám thai định kỳ là một hoạt động vô cùng quan trọng và cần thiết, vì nhờ đó mà có thể thường xuyên biết được tình trạng sức khỏe của người mẹ cũng như của thai nhi, phát hiện được những sự bất thường cũng như những dị tật có thể có. Từ đó  có thể đưa ra được những quyết định đúng đắn và kịp thời điều chỉnh, chữa trị hoặc có biện pháp giải quyết.

Tầm quan trọng của các mốc khám thai định kỳ

Ở từng giai đoạn khác nhau thai nhi sẽ có những đặc điểm phát triển riêng, do đó khi người mẹ đi khám thai theo định kỳ sẽ theo dõi và biết được sự phát triển của bé trong từng thời kỳ, cũng nhờ đó sẽ biết cách dưỡng thai cũng như chăm sóc sức khỏe của bản thân để có được một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh, cụ thể:

– Nhờ vào các chỉ số thu được từ siêu âm, các xét nghiệm sinh hóa, máu, chiều dài cân nặng của thai nhi qua các kỳ khám mà có thể theo dõi được sức khỏe thai kỳ và đánh giá được sự phát triển của thai nhi.

– Thông qua các lần thăm khám và sự tư vấn của bác sỹ người mẹ đang mang thai sẽ biết cách điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, làm việc, sinh hoạt, nghỉ ngơi, tập luyện của mình một cách phù hợp nhất, tốt nhất cho bản thân và thai nhi, biết cách phòng tránh những nguy cơ có thể xảy ra.

– Nhờ các lần khám định kỳ mà có thể nhanh chóng phát hiện được những biểu hiện bất thường trong sức khỏe của người mẹ đang mang thai cũng như của thai nhi, nhờ đó có thể khắc phục kịp thời.

– Các bác sỹ chuyên khoa thông qua kết quả xét nghiệm chuyên sâu và siêu âm được thực hiện trong những lần khám thai định kỳ có thể sàng lọc xác định những dị tật bẩm sinh có thể có ở trẻ ngay từ giai đoạn còn nằm trong bụng mẹ. Do những thủ thuật, xét nghiệm đó chỉ có thể cho kết quả chính xác nhất tại từng thời điểm cụ thể của thai kỳ nên các bà mẹ mang thai cần biết được để không bỏ qua các mốc khám thai tương ứng này.

Những mốc khám thai quan trọng trong thai kỳ mà mỗi người mẹ mang thai cần biết

Kể từ khi bắt đầu mang thai, trong thời gian 6 tháng đầu của thai kỳ người mẹ cần đi khám thai đều đặn hàng tháng. Trong thời gian 3 tháng cuối, việc tăng số lần khám thai sẽ tùy thuộc vào chỉ định của bác sỹ xuất phát từ sự phát triển của thai nhi và tình trạng sức khỏe của người mẹ.

  1. Mốc khám thai thứ 1: Tuần 5 – tuần 8 của thai kỳ

Sau khi thấy mình chậm kinh khoảng 1 tuần, nếu kết quả que thử thai cho 2 vạch thì người phụ nữ nên đến gặp bác sỹ để khám.

Đây là lần khám thai rất quan trọng và cần thiết mà phụ nữ mang thai không thể bỏ qua. Tại lần khám đầu tiên này, thông qua kết quả siêu âm và một số xét nghiệm, các bác sỹ sẽ giúp xác định đúng tuổi của thai nhi và xem thai đã nằm trong buồng tử cung hay chưa, biết được đang mang thai đơn hay đa thai…, cũng như nắm bắt được người mẹ bầu có mắc những bệnh mà sẽ có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thai nhi như bệnh thủy đậu, viêm gan B, bệnh sởi, HIV/AIDS, bệnh giang mai, yếu tố Rh, nhóm máu, …

Trong lần khám đầu tiên này, bác sỹ sẽ cho lập hồ sơ thai kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe của người mẹ mang bầu và cho cả đứa bé trong bụng, dự đoán ngày sinh của bé. Hồ sơ cũng sẽ ghi đủ thông tin về tiền sử sức khỏe của người mẹ và một số thành viên trong gia đình nhằm giúp dự phòng chần đoán và loại trừ một số bệnh di truyền mà bé có thể mắc phải.

Trong lần khám này bác sỹ sẽ đưa ra cho người mẹ mang bầu một số hướng dẫn cụ thể về chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng phù hợp, các loại thuốc, thực phẩm cần tránh sử dụng để có thể có được một thai kỳ khỏe mạnh.

  1. Mốc khám thứ 2: Tuần 13 – tuần 15 của thai kỳ

Lần khám thứ hai này là thời điểm quan trọng để các bác sỹ thực hiện các thủ thuật nhằm chẩn đoán và loại trừ các nguy cơ thai nhi bị mắc các hội chứng có liên quan đến hiện tượng đột biến nhiễm sắc thể, một số bệnh di truyền, phát hiện sớm những bất thường lớn ở thai nhi như hiện tượng thai vô sọ, thoát vị rốn, bàng quang lớn…

Tại lần khám này, bác sỹ sẽ yêu cầu người phụ nữ đang mang thai thực hiện một số xét nghiệm sau:

– Đo huyết áp, cân nặng, làm xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm để kiểm tra sự phát triển của thai nhi và tình trạng sức khỏe của người mẹ đang mang thai.

– Thực hiện siêu âm đo độ mờ da gáy của thai nhi kết hợp với làm xét nghiệm Double test để xác định nguy cơ thai nhi bị mắc bệnh Down, Edward hoặc Patau do rối loạn di truyền NST. Nếu việc xét nghiệm và siêu âm được thực hiện khi thai nhi được 13 tuần tuổi sẽ có khả năng có được chính xác nhất.

Nếu kết quả xét nghiệm và siêu âm cho thấy nguy cơ thai nhi mang bệnh di truyền NST, các bác sỹ có thể đề nghị người mẹ bầu thực hiện thêm một số xét nghiệm chẩn đoán khác để có thể khẳng định tình trạng bệnh như xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn – NIPT hoặc xét nghiệm sinh thiết rau thai. So với các xét nghiệm khác, xét nghiệm NIPT có ưu điểm vượt trội bởi sự an toàn tuyệt đối, không gây hại cho thai nhi.

  1. Mốc khám thai thứ 3: Tuần từ 16 – 22 của thai kỳ

Trong lần khám thai thường kỳ này, các bác sỹ theo dõi thai kỳ sẽ tiếp tục thực hiện các kiểm tra cơ bản để xác định tình trạng sức khỏe và sự phát triển của thai nhi, như đo huyết áp, cân nặng, thử đường huyết, làm xét nghiệm nước tiểu, siêu âm…, cũng như cho làm xét nghiệm Triple test nếu như tại lần khám trước người mẹ bầu chưa được làm Double test.

Đối với những mẹ bầu mà kết quả các xét nghiệm trước đó cho thấy thai nhi có nguy cơ cao mang dị tật bẩm sinh, các bác sỹ sẽ khuyến cáo thực hiện chọc ối để làm xét nghiệm. Tuy nhiên điều đáng quan tâm là thủ thuật chọc ối có thể có nguy cơ gây nên sẩy thai, nhưng khá thấp (chưa đến 1% trường hợp được chỉ định chọc ối).

  1. Mốc khám thai thứ 4: Tuần từ 23 – 28 của thai kỳ

Tại lần khám thai này, ngoài việc thực hiện các kiểm tra cơ bản như của lần khám thai trước, các bác sỹ sẽ thực hiện đo chiều cao tử cung và vòng bụng mẹ bầu để xác định sự phát triển của thai nhi, kiểm tra tim thai và đồng thời xác định nguy cơ tiểu đường thai kỳ ở người mẹ mang thai.

Các bác sỹ sẽ thực hiện siêu âm 4D để tầm soát dị tật của thai nhi nhằm phát hiện sớm  những bất thường có thể có (như chân tay, cột sống, xương, bụng, tim, não, thận…), cũng như kiểm tra lượng nước ối, vị trí bám của nhau thai…

Cũng trong lần khám thai này, mẹ bầu sẽ được chỉ định tiêm vacsine phòng uốn ván VAT mũi đầu tiên.

  1. Mốc khám thai thứ 5: Tuần từ 28 – 32 của thai kỳ

Trong lần khám thai này, ngoài việc kiểm tra sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của người mẹ bầu, các bác sỹ sẽ làm siêu âm để tầm soát những bất thường có thể xuất hiện muộn ở thai nhi (như giãn não thất, tắc ruột, nhiễm trùng bào thai…). Người mẹ mang bầu cũng sẽ được tiêm vacsine phòng uốn ván VAT mũi 2.

  1. Mốc khám thai thứ 6 (tuần từ 32 – 34) và thứ 7 (tuần từ 34-36)

Trong những lần khám thai này, các bác sỹ sẽ tiếp tục tập trung chú ý vào việc theo dõi sự phát triển của thai nhi thông qua việc đo kích thước của thai nhi, kiểm tra tim thai, làm xét nghiệm đo tim thai và so sánh nhịp tim thai với cử động của em bé trong 3 tháng cuối của thai kỳ (xét nghiệm non – stress) nhằm xác định thai nhi có được cung cấp đủ oxy và hoạt động tốt hay không.

Xét nghiệm non – stress đặc biệt cần thiết đối với những mẹ bầu:

– Có những nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ, bị sản giật

– Kết quả siêu âm cho thấy mẹ bị thiếu ối hoặc đa ối

– Thai nhi ít máy (ít cử động)

– Đã quá ngày dự sinh mà vẫn chưa có hiện tượng chuyển dạ…

  1. Mốc khám thai thứ 8, 9, 10: Tuần từ 36 – 39 của thai kỳ

Đây là thời gian người mẹ mang bầu sắp sửa bước vào thời kỳ chuyển dạ nên thông thường các bác sỹ sẽ yêu cầu mẹ bầu nên đi khám thai hàng tuần để có thể theo dõi một cách sít sao nhất sự phát triển của thai nhi. Trong những lần thăm khám này bác sỹ sẽ sử dụng máy monitor sản khoa để đánh giá cơn co tử cung cũng như sự thay đổi của tim thai.

Thông qua các thăm khám, bằng việc thực hiện các xét nghiệm thường quy như siêu âm, xét nghiệm máu, nước tiểu, kiểm tra cổ tử cung, tình trạng dây rốn, nước ối bác sỹ có thể dự tính được cân nặng của bé khi sinh cũng như dự đoán trước cuộc đẻ là sẽ sinh thường hay phải can thiệp bằng phẫu thuật để bắt con… Các bác sỹ cũng sẽ tư vấn cho người mẹ sắp lâm bồn các dấu hiệu nhận biết chuẩn bị sinh để kịp thời chuẩn bị nhập viện.

Những vấn đề mẹ bầu cần lưu ý khi đi khám thai

– Lưu trữ đầy đủ hồ sơ các lần khám và mang theo người mỗi khi đi thăm khám để thuận tiện cho bác sỹ có ngay đầy đủ thông tin về các lần khám trước, giúp dễ dàng so sánh sự thay đổi về mặt sức khỏe và sự phát triển của người mẹ đang mang bầu và của thai nhi.

– Sử dụng trang phục phù hợp để thuận tiện cho việc thăm khám, làm các xét nghiệm của bác sỹ.

– Vệ sinh cơ thể sạch sẽ (đặc biệt là vùng kín). Nên đi tiểu trước và uống nước đầy đủ để dễ dàng cho việc thực hiện siêu âm.

– Quan tâm đến chế độ ăn uống: Nếu phải làm xét nghiệm đường huyết, mẹ bầu cần thực hiện nhịn ăn trước theo đúng chỉ dẫn của bác sỹ. Không sử dụng các chất kích thích trước khi tới cơ sở y tế. Mang theo đồ ăn nhẹ dự phòng để có thể sử dụng sau khi làm xong xét nghiệm và phòng khi phải chờ đợi lâu nhằm đảm bảo sức khỏe.

Đơn vị chăm sóc và quản lý thai nghén uy tín

Hiện nay Bệnh viện Phụ sản Thiện An đang thực hiện gói Theo dõi và chăm sóc thai sản toàn diện cho các mẹ bầu kể từ lúc bắt đầu mang thai những tuần đầu tiên và theo suốt thai kỳ, bao gồm đầy đủ toàn bộ các lần khám thai định kỳ, thực hiện các bước xét nghiệm thường quy và thực hiện siêu âm 3D, 4D. Các thai phụ sử dụng dịch vụ sẽ được chăm sóc và kiểm tra một cách tận tình chu đáo nhằm đảm bảo cho người mẹ mang bầu có được sức khỏe tốt nhất và thai nhi có sự phát triển bình thường.

Đến với Thiện An, các mẹ mang bầu sẽ yên tâm với sự chăm sóc chu đáo, nhiệt tình đầy trách nhiệm của đội ngũ thầy thuốc có trình độ chuyên môn cao, nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực sản – phụ khoa, đứng đầu là AHLĐ. TTND. GS. TS. Nguyễn Viết Tiến – nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, nguyên Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương, Chủ tịch Hội Sản- Phụ khoa VN cũng nhiều GS. TS. BS. đầu ngành khác.

Đến với Thiện An, các mẹ mang bầu sẽ được sử dụng một cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp cùng một hệ thống trang thiết bị khám chữa bệnh hiện đại, đảm bảo độ an toàn và chính xác nhất cho các kết quả khám, xét nghiệm.

Để biết thêm thông tin và được thăm khám, tư vấn cụ thể, vui lòng liên hệ với Bệnh viện Phụ sản Thiện An qua số điện thoại Hotline 1900 – 633 – 081 hoặc trực tiếp tại Bệnh viện theo địa chỉ: Số 27 Ngõ 603, Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội.

Fanpage Facebook: www.facebook.com/phusanthienan