Ngày nay, hiếm muộn – vô sinh là một trong những vấn đề được rất nhiều cặp vợ chồng quan tâm đặc biệt, bởi khi đã nguyện thề gắn kết cuộc đời với nhau thì sẽ luôn khát khao tình yêu được đơm hoa kết trái bởi con cái luôn là mối dây gắn kết chặt chẽ tình cảm, là niềm vui, niềm hạnh phúc chung của cả 2 người.
Hiện nay, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, số lượng các trường hợp vô sinh hiếm muộn đang ngày càng tăng. Thống kê cho thấy hiện tại có hơn 1 triệu cặp vợ chồng Việt Nam đang mắc phải tình trạng này. Đây là một con số rất đáng được lưu tâm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực phụ sản, hiếm muộn và vô sinh là khác nhau, bởi thực tế cho thấy hiếm muộn là trường hợp nhẹ hơn nhiều so với vô sinh vì nếu bị vô sinh thì tỷ lệ có con sẽ thấp hơn rất nhiều so với hiếm muộn.
Vậy những trường hợp nào được xem là bị hiếm muộn, nguyên nhân và phương thức điều trị như thế nào? Bài viết sau sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin thiết yếu về vấn đề trên.
Thế nào là hiếm muộn?
Theo các bác sỹ phụ sản, hiếm muộn là trường hợp khi hai vợ chồng có quan hệ tình dục đều đặn mà không sử dụng bất kỳ một biện pháp tránh thai nào, nhưng sau 6 tháng (đối với người vợ ở độ tuổi > 35) hoặc 1 năm (đối với những người vợ có độ tuổi < 35) mà vẫn không đậu thai một cách tự nhiên.
Thông thường, tình trạng bệnh lý hiếm muộn được phân biệt thành hiếm muộn nguyên phát và hiếm muộn thứ phát. Hiếm muộn nguyên phát là tình trạng khi mà hai vợ chồng chưa từng thụ thai một lần nào sau khi về chung sống với nhau, còn hiếm muộn thứ phát xảy ra khi hai vợ chồng đã từng có thai, nhưng sau đó khi muốn có thêm đứa con nữa thì mong muốn lại không thực hiện được do không thụ thai tiếp được.
Những nguyên nhân chủ yếu gây hiếm muộn
Trước đây thường có quan niệm sai lầm cho rằng nguyên nhân chậm có con là do người vợ. Tuy nhiên thống kê cho thấy tỷ lệ vô sinh hiếm muộn xuất phát từ phía người chồng và người vợ là ngang nhau (khoảng 40% mỗi phía), do các nguyên nhân khác chiếm khoảng 20%.
Do vậy, khi thấy sức khỏe sinh sản có sự bất thường, lâu ngày không thụ thai cả 2 vợ chồng cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám nhằm xác định nguyên nhân và tìm biện pháp điều trị.
Thực tế cho thấy các trường hợp hiếm muộn thường xuất phát từ các nguyên nhân cơ bản sau:
1. Nguyên nhân từ phía người chồng
Có rất nhiều vấn đề có thể gây nên hiện tượng hiếm muộn cho người chồng, bao gồm:
– Do sự bất thường ở tinh trùng người chồng, như chất lượng tinh trùng không đạt (tinh trùng yếu, ít di động, dị dạng…), số lượng tinh trùng ít (< 20 triệu/ ml)
– Tuyến sinh dục có sự bất thường kéo theo sự rối loạn nội tiết tố nam tostosterone
– Khả năng tình dục yếu, bị xuất tinh sớm, bị rối loạn cương dương…
– Có biểu hiện xuất tinh ngược dòng: khi giao hợp, tinh trùng không xuất ra ngoài mà xuất vào bàng quang
– Bị mắc bệnh bẩm sinh không có ống dẫn tinh
– Bị dính ống dẫn tinh do các bệnh lây truyền qua đường tình dục
– Bị di chứng của chấn thương tủy, bệnh quai bị; do mắc bệnh tiểu đường…
– Cơ quan sinh dục bị tổng thương do bệnh ung thư, do sử dụng hóa trị liệu…
2. Nguyên nhân từ phía người vợ
– Do những bất thường ở cơ quan sinh dục nữ (ở vòi tử cung, tử cung, cổ tử cung)
– Do bất thường trong nội tiết tố gây nên sự rối loạn kinh nguyệt, rối loạn phóng noãn (không rụng trứng hoặc rụng trứng bất thường)
– Do bệnh tật (lạc nội mạc tử cung, u buồng trứng, bị nhiễm trùng vùng chậu, viêm âm đạo…)
– Do có kháng thể kháng tinh trùng trong dịch
– Thể trạng yếu do tình trạng dinh dưỡng kém.
3. Các nguyên nhân khác
– Do môi trường sống, làm việc không đảm bảo thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, nhiệt độ cao…
– Độ tuổi xây dựng gia đình. Tuổi tác càng cao thì tác động của sự suy giảm tác động của hocmon sinh dục càng lớn, từ đó cơ hội để có thai càng thấp. Các nghiên cứu đều cho thấy nếu người phụ nữ > 30 tuổi thì tỷ lệ đậu thai chỉ còn khoảng <50%, > 40 tuổi thì chỉ còn khoảng 10% và > 45 tuổi thì khả năng mang thai chỉ còn dưới 1%; còn ở người đàn ông, chất lượng tinh trùng cũng giảm rất nhanh theo tuổi, hơn nữa xác suất sai lệch về di truyền DNA cũng rất cao.
– Cân nặng cơ thể. Nếu người vợ, người chồng bị béo phì hoặc quá thiếu cân đều gây nên nguy cơ cao hiếm muộn, bởi nếu người nam giới thừa cân sẽ khả năng làm giảm thấp số lượng cũng như khả năng hoạt động của tinh trùng.
– Thói quen hút thuốc lá, sử dụng rượu bia… Các nghiên cứu đều cho kết luận thuốc lá, bia rượu là tác nhân gây nên sự suy giảm về số lượng cũng như mức độ linh động của tinh trùng ở người đàn ông và có tác hại lớn đến chất lượng buồng trứng của người phụ nữ.
– Các tác nhân mang tính tâm lý. Nếu người vợ, người chồng hay bị căng thẳng về mặt tâm lý, bị stress, lo lắng bất an thì khả năng hiếm muộn cũng sẽ tăng cao.
Lúc nào thì cần phải đi khám hiếm muộn?
Một cặp vợ chồng muốn sinh con, nhưng khi gặp các trường hợp sau thì cần đến gặp bác sỹ sản phụ khoa để khám và xin tư vấn:
– Có sinh hoạt tình dục đều đặn, không sử dụng các biện pháp tránh thai mà trong thời gian dài (khoảng 12 tháng – riêng đối với nữ trên 35 tuổi là 6 tháng) vẫn không thụ thai.
– Người vợ có tiền sử đã từng bị sảy thai 2 lần trở lên
– Trong tiền sử, người vợ đã từng phải qua điều trị các bệnh có liên quan đến cơ quan sinh sản như bị lạc nội mạc tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, viêm nhiễm đường sinh dục
– Phụ nữ có tiền sử có kinh lần đầu muộn (sau 15 tuổi)
– Những phụ nữ có các dấu hiệu bất thường như rối loạn kinh nguyệt, chu kỳ kinh nguyệt, ra khí hư bất thường, mắc một số bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như giang mai, lậu…
– Người chồng có hiện tượng rối loạn cương dương, hay bị xuất tinh sớm…
Nếu nhận thấy có các dấu hiệu khả năng hiếm muộn, khi đi khám và xin tư vấn của bác sỹ chuyên khoa, cần sự có mặt của cả 2 vợ chồng bởi nguyên nhân gây hiếm muộn xuất phát cả từ 2 phía người chồng và người vợ. Mặt khác để có được kết quả tốt nhất, các bác sỹ khuyến cáo các cặp vợ chồng đi khám cần chú ý đến các vấn đề sau:
– Tránh quan hệ tình dục trong khoảng 1 tuần trước khi đến khám
– Người vợ đã sạch kinh sau chu kỳ từ 3 – 5 ngày (riêng các xét nghiệm nội tiết tố sẽ thực hiện vào ngày tứ 2 – 3 của chu kỳ kinh).
Quy trình khám hiếm muộn
Thông thường, khi đến cơ sở y tế để khám hiếm muộn, cả người vợ và chồng sẽ được bác sĩ chuyên khoa thăm khám theo 4 bước, bao gồm:
– Trước hết, các bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh lý của các cặp vợ chồng nghi bị hiếm muộn. Đồng thời cho 2 vợ chồng trải qua các khâu khám phụ khoa và nam khoa. Đây là giai đoạn bước để bác sĩ xác định được sơ bộ các nguyên nhân có thể gây nên tình trạng hiếm muộn cho cặp vợ chồng đến khám.
– Bước 2: Dựa trên kết quả thăm khám ban đầu, bác sĩ quyết định sẽ cho cặp vợ chồng thực hiện tiếp các thủ thuật và xét nghiệm chuyên sâu (như xét nghiệm máu, làm siêu âm, làm tinh dịch đồ, chụp HSG nếu có nghi ngờ tử cung – vòi trứng bị tổn thương, làm xét nghiệm để định lượng nội tiết tố, cũng như làm xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục…)
– Bước 3: Tổng hợp các kết quả khám và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng để xem xét và xác định các bước điều trị tiếp theo.
– Bước 4: Tùy thuộc từng nguyên nhân cụ thể của từng cặp vợ chồng, bác sĩ sẽ khuyến cáo phác đồ điều trị cần thực hiện để chữa bệnh nhằm đạt kết quả mong muốn.
Phương pháp điều trị hiếm muộn
Mọi cặp vợ chồng không may gặp phải vấn đề về hiếm muộn luôn mong muốn làm sao được điều trị một cách có hiệu quả. Tùy thuộc vào tình trạng hiếm muộn của từng cặp vợ chồng cụ thể mà các bác sỹ sẽ khuyên cáo sử dụng các phương pháp khác nhau.
Cùng với sự phát triển của các tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong lĩnh vực y học, đặc biệt là trong lĩnh vực sản phụ khoa, hiện nay các trường hợp hiếm muộn thường được khắc phục bằng một trong những phương pháp sau:
– Điều trị bằng phương pháp nội khoa (sử dụng thuốc). Đây là một được sử dụng khá phổ biến. Người bệnh sẽ theo chỉ dẫn của bác sỹ sử dụng thuốc theo đơn được kê nhằm mục đích cải thiện chất lượng tinh trùng của người chồng và chất lượng trứng của người vợ để tăng khả năng thụ tinh.
– Điều trị bằng ngọai khoa. Phương pháp điều trị này được áp dụng cho những vợ chồng qua thăm khám được phát hiện có các tổn thương ở cơ quan sinh dục như bị dính, tắc vòi tử cung, u xơ tử cung, có khối u tinh hoàn…
– Sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản. Tuy không phải mọi cặp vợ chồng hiếm muộn đều có thể sử dụng, mà phụ thuộc vào khuyến cáo và chỉ định của các bác sỹ chuyên khoa. Đây cũng là một phương pháp điều trị tích cực mang lại hiệu quả khá cao, bao gồm IVF (thụ tinh trong ống nghiệm), IUI (bơm tinh trùng trực tiếp vào buồng tử cung, ICSI (bơm tinh trùng vào bào tương noãn), IVM (nuôi trưởng thành trứng đã được thụ tinh trong ống nghiệm).
Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Phụ sản Thiện An là địa chỉ điều trị vô sinh – hiếm muộn đã được nhiều cặp vợ chồng chọn lựa.
Chỉ riêng trong năm 2021, Trung tâm đã thực hiện hỗ trợ sinh sản cho khoảng 1000 cặp vợ chồng hiếm muộn với tỷ lệ thành công trên 50%. Tỷ lệ này có phần vượt trội so với các Trung tâm hỗ trợ sinh sản lớn của các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Australia,…
Bệnh viện Phụ sản Thiện An với Trung tâm Hỗ trợ sinh sản có hệ thống phòng Lab hiện đại và đội ngũ chuyên gia y tế nhiều năm kinh nghiệm công tác, có trình độ chuyên môn cao, đứng đầu là AHLĐ. TTND. GS. TS. Nguyễn Viết Tiến – Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ – người thầy thuốc với đôi bàn tay vàng đã mang lại nụ cười và hạnh phúc cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn.
Để biết thêm thông tin và được thăm khám, tư vấn cụ thể, vui lòng liên hệ với Bệnh viện Phụ sản Thiện An qua số điện thoại Hotline 1900 – 633 – 081 hoặc trực tiếp tại Bệnh viện theo địa chỉ: Số 27 Ngõ 603, Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội.
Fanpage Facebook: www.facebook.com/phusanthienan